Việc đột ngột tỉnh giấc với nhịp tim tăng nhanh có thể khiến nhiều người hoảng hốt.
Dù phần lớn các trường hợp chỉ là thoáng qua và không đáng lo ngại, nhưng nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần, đặc biệt vào mỗi buổi sáng sớm, rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy rối loạn trong hệ thần kinh tự động, nội tiết hoặc cấu trúc giấc ngủ.
Tim không “ngủ” khi cơ thể nghỉ ngơi. Thay vào đó, nó tuân theo một chu kỳ sinh học được kiểm soát bởi hạch trên giao thoa (SCN) của vùng dưới đồi, có nhiệm vụ điều tiết hormone và hoạt động thần kinh tự động. Trong giai đoạn ngủ REM – giấc ngủ “nghịch lý” – hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh, trong khi thần kinh phó giao cảm bị ức chế. Theo bác sĩ thần kinh José Biller, “Giấc REM là lúc não và hệ thần kinh tăng tốc, dù cơ thể hoàn toàn bất động”. Chính sự mất cân bằng này có thể khiến adrenaline và noradrenaline tăng đột biến, gây ra những lần tỉnh giấc kèm theo tim đập thình thịch.
Một nguyên nhân phổ biến khiến nhịp tim tăng nhanh lúc sáng sớm là do sự tăng cường hoạt động giao cảm trong các giai đoạn chuyển tiếp của giấc ngủ – đặc biệt là từ giấc sâu sang REM. Ở một số người, những dao động này trở nên quá mức do mắc các bệnh lý nền như:
- Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế (POTS)
- Suy giảm chức năng thần kinh tự động nguyên phát
- Cường giáp tiềm ẩn
- Rối loạn lo âu biểu hiện về mặt thể chất khi ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) là một thủ phạm thường bị bỏ sót. Khi đường hô hấp bị tắc nghẽn tạm thời, cơ thể rơi vào tình trạng thiếu oxy gián đoạn. Phản ứng tự nhiên là kích hoạt hệ giao cảm để khôi phục hô hấp, từ đó khiến người bệnh giật mình tỉnh dậy với cảm giác ngạt thở, tim đập nhanh và hồi hộp.
Nhiều loại thuốc cũng ảnh hưởng đến nhịp tim vào ban đêm, như: thuốc giãn phế quản (beta-agonist), thuốc chống trầm cảm ba vòng, corticoid, và liệu pháp hormone tuyến giáp. Việc ngừng thuốc an thần như benzodiazepine cũng có thể gây hiệu ứng dội ngược, làm tim đập nhanh vào rạng sáng.
Không loại trừ khả năng bạn đang mắc rối loạn nhịp tim như: nhịp nhanh xoang không phù hợp (IST), nhịp nhanh trên thất (SVT), hay ngoại tâm thu nhĩ. Những rối loạn này thường bị chẩn đoán muộn do biểu hiện không đặc hiệu. Việc theo dõi bằng Holter 24 giờ hoặc máy ghi nhịp tim cấy dưới da giúp xác định chính xác nguyên nhân.
Rối loạn lo âu, ác mộng, bóng đè – tất cả đều có thể gây ra các phản ứng stress trong khi ngủ mà bản thân người bệnh không ý thức được. Những cơn căng thẳng vô thức này làm tăng noradrenaline trong não, khiến tim tiếp tục “chạy đua” ngay cả sau khi tỉnh giấc. Một nghiên cứu mới cho thấy 40% bệnh nhân bị rối loạn hoảng loạn từng trải qua tình trạng tim đập nhanh khi thức giấc.
Muốn kiểm soát tình trạng này, cần xác định rõ nguyên nhân. Nếu là OSA, sử dụng máy CPAP thường cải thiện nhịp tim sau vài tuần. Trường hợp do lo âu, liệu pháp hành vi nhận thức kết hợp thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI đã được chứng minh có hiệu quả trong việc làm giảm nhịp tim bất thường và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Thức dậy với tim đập nhanh không đơn giản chỉ là do giấc mơ xấu hay áp lực công việc. Đó có thể là tín hiệu sớm của rối loạn hệ thần kinh tự động, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh lý hô hấp khi ngủ. Việc thăm khám sớm và điều trị đúng cách không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống mà còn phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm về sau.